Sản xuất dược phẩm: Chờ bùng nổ
Thị trường dược phẩm sẽ bị phân chia lại như thế nào nếu các doanh nghiệp nước ngoài đẩy mạnh sản xuất tại Việt Nam? Liệu bài học của ngành hóa mỹ phẩm có lặp lại với ngành dược?
Dù thường xuyên đối diện với những biến động (nguyên liệu, chính sách, giá cả…) nhưng các nhà sản xuất dược phẩm trong và ngoài nước vẫn đang ráo riết nhảy vào thị trường đầy sóng gió và cũng nhiều tiềm năng này. Năm 2008, trong khi hầu hết các ngành khác đều điêu đứng vì khủng hoảng thì ngành dược vẫn liên tục tăng trưởng mức bình quân 18-20%/năm, theo Cục Quản lý Dược. Theo khảo sát mới nhất của công ty nghiên cứu và tư vấn Business Monitor International (BMI) về “Thị trường dược phẩm và chăm sóc sức khỏe Việt Nam quý III/2009”, tổng mức chi tiêu cho dược phẩm của Việt Nam đã tăng từ 0,956 tỉ USD năm 2007 lên 1,114 tỉ USD năm 2008. BMI cũng dự báo tổng mức chi tiêu cho năm 2009 sẽ đạt 1,202 tỉ USD. Tăng trưởng, tiềm năng nhưng sản xuất trong nước chỉ mới đáp ứng được 50% nhu cầu thị trường. Đây chính là cơ hội lớn cho các nhà nhập khẩu và sản xuất dược phẩm, trong nước lẫn nước ngoài.
Một nhà phân phối trong ngành phân tích, nếu so với các quốc gia trong khu vực như Singapore, Indonesia hay Philippines… quy mô thị trường của Việt Nam còn nhỏ và chưa tạo được tiếng vang. Theo một khảo sát của BMI, trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, năng lực cạnh tranh của thị trường dược phẩm Việt Nam đang ở nhóm thấp nhất (trong tổng số 15 quốc gia được khảo sát), sau Bangladesh lẫn Pakistan. Ngoài ra, mức thuế nhập khẩu một số nguyên vật liệu vẫn còn cao hơn so với các nước.Các nhà sản xuất dược phẩm ở Việt Nam hiện đang hoạt động theo các hình thức: công ty nhà nước, công ty cổ phần, công ty liên doanh và văn phòng đại diện của công ty nước ngoài tại Việt Nam. Hầu hết những tên tuổi hàng đầu thế giới trong ngành dược đều đã có mặt tại Việt Nam, chủ yếu thông qua hình thức văn phòng đại diện như Pfizer (Mỹ), GlaxoSmithKline (Anh)… hoặc liên doanh như Sonofi-Vietnam (giữa Công ty Sản xuất Dược phẩm Trung ương và Sanofi-SynThélabo của Pháp), Stada Vietnam (giữa Công ty Dược phẩm Khương Duy và Công ty Stada của Đức)... Tuy nhiên, theo BMI, trong số 438 công ty nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam có đến 70% là các nhà nhập khẩu. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Vì sao các công ty nước ngoài vẫn chưa mặn mà với việc sản xuất tại Việt Nam?
Ông Claus Jepsen, Tổng Giám đốc Công ty GlaxoSmithKline (GSK) tại Việt Nam bày tỏ, dù GSK rất mong muốn trở thành một công ty 100% vốn nước ngoài tại đây, nhưng hiện tại GSK chỉ hướng đến mô hình liên kết với một số nhà sản xuất trong nước hơn là tự mình sản xuất. Theo đó, GSK sẽ hỗ trợ về mặt kỹ thuật, bán hàng và marketing, còn các công ty trong nước đảm trách phần sản xuất. Ngoài đối tác hiện nay là Công ty Dược phẩm OPV, GSK cho biết, họ đang trong quá trình đàm phán với 2-3 doanh nghiệp sản xuất trong nước khác.
Sở dĩ các doanh nghiệp nước ngoài vẫn chưa đẩy mạnh sản xuất tại Việt Nam là do Việt Nam hiện vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, phải nhập hơn 80% (theo Cục Quản lý Dược) khiến chi phí sản xuất tăng (nguyên vật liệu chiếm đến 50-60% chi phí sản xuất). Ngoài ra, mức chi tiêu cho dược phẩm tính theo bình quân đầu người của Việt Nam vẫn còn thấp, 13,85 USD/người/năm và đa phần sử dụng thuốc generic (thuốc đồng dạng, hay thuốc phiên bản) giá thấp. Đây cũng là chủng loại mà đa phần các công ty trong nước đang sản xuất và cung ứng.
Theo nhận định của GSK, các nhà sản xuất trong nước hiện chia làm hai nhóm: một nhóm gồm các nhà sản xuất có trình độ công nghệ cao (khoảng 10 công ty), còn lại là các doanh nghiệp nhỏ, trình độ kỹ thuật thấp. Đa số các công ty nhỏ này luôn tìm cách giảm chi phí sản xuất, không đầu tư cho tương lai. Ông Jepsen nói: “Đến một lúc nào đó, các doanh nghiệp này sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi vì áp lực cạnh tranh của thị trường ngày càng lớn và người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn”.
Tuy nhiên, ông cho rằng, đây không phải là vấn đề đáng lo ngại nhất của thị trường dược phẩm Việt Nam. Điều đáng quan tâm hơn là chất lượng sản phẩm của các công ty dược Việt Nam. Điều này có thể được cải thiện nếu Nhà nước mạnh dạn cắt bỏ những công ty yếu kém, tập trung đầu tư và nâng cấp các công ty trung bình và khá như Ấn Độ và Trung Quốc đã làm.
Dù còn nhiều sóng gió nhưng thị trường dược phẩm Việt Nam được đánh giá là sẽ bùng nổ vào năm 2013. BMI dự đoán, chi tiêu cho dược phẩm sẽ đạt khoảng 1,7 tỉ USD (tương đương 18,53 USD/người/năm) vào năm 2013. Hiện tại, thị trường dược càng “nóng” hơn khi có thông tin nói rằng, một số nhà sản xuất nước ngoài như Dr Reddy’s (Ấn Độ) và Roche (Thụy Sĩ) đã nộp đơn xin phép sản xuất một số loại thuốc generic có giá trị cao tại Việt Nam. Điều này có thể sẽ tạo nên sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất trong nước và nước ngoài trong một tương lai không xa.
Dù đã cung ứng được gần 50% nhu cầu thị trường nhưng thực tế sản phẩm của khoảng 165 công ty sản xuất dược phẩm trong nước hiện nay đa phần là thuốc không kê đơn, chỉ 19-20% được bán trong hệ thống điều trị. Như vậy, cán cân giá trị đang nghiêng về phía thuốc nhập khẩu (chủ yếu là thuốc đặc trị, còn gọi là thuốc kê đơn). Như vậy, điều gì sẽ xảy ra nếu các nhà sản xuất nước ngoài đẩy mạnh đầu tư sản xuất tại Việt Nam?
Ông Nguyễn Quốc Định, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm, cho rằng, nếu điều đó xảy ra, thị trường dược phẩm Việt Nam cũng không thay đổi gì nhiều. Vì ngay khi thị trường còn nhiều ràng buộc, họ cũng đã có mặt ở Việt Nam và bằng hình thức này hoặc hình thức khác tham gia vào khâu phân phối và sản xuất. Do đó, ít nhiều các công ty lớn trong nước cũng đã có sự chuẩn bị.
Đối với các công ty Việt Nam, như Dược Hậu Giang hay Imexpharm (hai công ty có giá trị cổ phiếu cao nhất trong 10 công ty dược đang niêm yết trên thị trường chứng khoán, với mã chứng khoán là DHG và IMP), để tạo thế cạnh tranh lâu dài, họ đã sử dụng khoản vốn thặng dư từ việc phát hành cổ phiếu để đẩy mạnh đầu tư công nghệ, mở rộng hệ thống phân phối và tăng cường “đánh bóng” thương hiệu.
Ông Định cho biết, Imexpharm đang đặt kỳ vọng vào nhà máy sản xuất thuốc kháng sinh chích Cephalosporin, tại Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore (Bình Dương). Đây là sản phẩm mà thị trường nội địa hiện chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu. Ông Định nhấn mạnh, nếu nhà máy này hoạt động đúng 100% công suất sẽ góp phần làm tăng 20% doanh thu của Imexpharm.
Trong khi Imexpharm đầu tư mạnh vào sản xuất tân dược thì Dược Hậu Giang lại cố gắng khẳng định thế mạnh đông dược của mình. Công ty đang xây mới nhà máy sản xuất nhóm thuốc Non Beta-Lactam tại Khu Công nghiệp Trà Nóc dược (hiện chiếm 90% sản phẩm của Dược Hậu Giang).
Tuy nhiên, đầu tư vào sản xuất chưa phải là lời giải cho mọi vấn đề của các nhà sản xuất dược phẩm Việt Nam. Theo ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Dược phẩm ECO (sở hữu chuỗi nhà thuốc ECO), dù sản xuất thuốc có bản quyền hay thuốc generic thì doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng gặp khó, vì vẫn còn một điểm yếu là thương hiệu. Trong khi đó, một khảo sát của BMI về hành vi tiêu dùng của người Việt Nam cho thấy, quảng cáo có tác động rất lớn đến quyết định của người tiêu dùng khi chọn mua dược phẩm. Đây rõ ràng là một rào cản cho các nhà sản xuất trong nước khi họ vẫn bị chi phối bởi quy định về chi phí tiếp thị quảng cáo không được vượt quá 15% giá vốn.
Một doanh nghiệp trong ngành nhận định: “Quy định này đã “giết” các công ty Việt Nam ngay trên sân nhà! Vì các doanh nghiệp nước ngoài có thể chuyển tiền qua Việt Nam cho văn phòng đại diện làm tiếp thị, quảng cáo mà không gặp bất cứ sự ràng buộc nào”. Ngoài ra, các sản phẩm nước ngoài trước khi đưa vào Việt Nam đã có quá trình khẳng định thương hiệu tại các thị trường khác.